PHIÊN HỌP THỨ TÁM BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
Sáng ngày 15/7/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ để đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC 06 tháng đầu năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ CCHC 06 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo.
Tham dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố
Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh chủ trì; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, lãnh đạo và công chức các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; Phòng CCHC thuộc Sở Nội vụ; Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa
Trong 06 tháng đầu năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về CCHC đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 04 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 02 bậc so với năm 2022. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương phê duyệt phương án đơn giản hóa 861 TTHC; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn quốc đạt 42%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 31,11%, tại các địa phương đạt 53,2%; 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức,…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và kết quả của các cấp, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác CCHC. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; có giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; đẩy mạnh cải cách thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; gắn kết chặt chẽ giữa cải cách, đơn giản hóa TTHC với chuyển đổi số; rà soát bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phù hợp với thực tiễn; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06;…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Tại tỉnh Khánh Hòa, trong 06 tháng đầu năm 2024, công tác CCHC tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh. Tình hình, kết quả thực hiện CCHC được theo dõi, đánh giá thường xuyên, đảm bảo tiến độ và kết quả; toàn bộ 07 giải pháp quản lý nhà nước về CCHC được triển khai đồng bộ, nề nếp, hiệu quả; chỉ đạo, điều hành CCHC được triển khai quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, nội dung, có ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; cải cách thể chế, cải thiện môi trường, đầu tư được triển khai mạnh mẽ. Các Chỉ số đánh giá quan trọng của tỉnh năm 2023 tiếp tục có những cải thiện tích cực, trong đó: Chỉ số PAR-Index đạt 88,60%, xếp thứ 14/63, tăng 11 bậc; Chỉ số SIPAS đạt 81,01%, xếp thứ 43/63, tăng 10 bậc; Chỉ số PAPI đạt 44,94/80 điểm, xếp vị thứ 08/61, tăng 08 bậc;…
Công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; đã ban hành 44 văn bản quy phạm pháp luật; đã phê duyệt nhiều chương trình, đề cương, đề án quan trọng về quy hoạch; đã tổ chức nhiều Đoàn công tác xúc tiến đầu tư, du lịch ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào,…); tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư;....
Công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đã phê duyệt danh mục 09 TTHC thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến không sử dụng hồ sơ giấy; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được công bố thực hiện trực tuyến; giao chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến cho các cơ quan (cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tối thiểu 55% UBND cấp huyện 50%; UBND cấp xã 40%); miễn thu phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện TTHC trên môi trường mạng. Chất lượng giải quyết hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023: Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết sớm và đúng hạn đạt 99,49% (tăng 0,02%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 69,37% (tăng 9,97%); thanh toán trực tuyến đạt 104.731 lượt với số tiền 88.998.558.196 đồng (tăng 54.312 lượt và 30.684.088.418 đồng); tỷ lệ cấp kết quả bản điện tử đạt 80,04% (tăng 18,92%), tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả TTHC đạt 80,96% (tăng 25,36%).
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại Phiên họp
Thu ngân sách nhà nước đạt 9.522,8 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 32.899,2 tỷ đồng, tăng 10,3%. GRDP của tỉnh Khánh Hòa đạt 31.226 tỷ đồng, tăng 12,73% so cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 2 cả nước và dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung. 137/617 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ hoàn toàn và tự chủ một phần, chiếm tỷ lệ 22,20%.
Hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh Khánh Hòa được nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được an toàn, thông suốt. 100% cơ sở y tế khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; 100% đơn vị giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách; 100% hộ kinh doanh trên địa bàn triển khai bản đồ số hộ kinh doanh;… Đã triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 21 cơ sở y tế. Khánh Hòa là 1 trong 6 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu Sổ hộ tịch, triển khai thực hiện khai thác, sử dụng kể từ ngày 01/4/2024.
L.T.N.Dung