Quốc hội “chốt” tăng 30% lương cơ sở từ 1/7/2024 - mức tăng cao nhất lịch sử

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]
Sáng 29/6, với đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Theo đó, Quốc hội giao cho Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
    Lương cơ sở tăng 30%, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%
    Theo Nghị quyết, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Quang cảnh phiên họp sáng 29/6
    Cụ thể, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025).
    Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương. Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024.
    Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
    Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ thì từ ngày 1/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
    Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
    Từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
    Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội và các đối tượng khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
    Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 9/2024
    Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
    Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh.
    Đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, có giải pháp phù hợp, bảo vệ và bảo đảm số lượng tàu bay, năng lực khai thác của các hãng hàng không trong nước.
    Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế, các quy định về chế độ, chính sách, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện thể chế để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
    Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp ở cơ sở năm 2025…
    Quốc hội cũng giao Chính phủ tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và thống kê, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo đúng kế hoạch đề ra./.
Nguồn: Báo Khánh Hòa