Tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ ba, 19/11/2024 ]

Ngày 07/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, được áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Trong quá trình triển khai thực hiện doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ, cụ thể trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như sau:

Vùng II: Mức 3.530.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc các thành phố Nha Trang, Cam Ranh.

Vùng III: Mức 3.090.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc thị xã Ninh Hòa, các huyện Cam Lâm, Diên Khánh và Vạn Ninh.

Vùng IV: Mức 2.760.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại.

2. Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại Mục 3, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ.

3. Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ.

4. Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định cửa pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

5. Doanh nghiệp căn cứ mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ, phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở để thỏa thuận, xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho người lao động cho phù hợp, bảo đảm các quy định của pháp luật lao động.

(Đính kèm Nghị định 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ)