Triển khai Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Ngày 08/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017.

Luật Thủy sản 2017 được đánh giá là có nhiều điểm mới, mang tính cải cách và hội nhập quốc tế cao. Để Luật Thủy sản 2017 được thực thi hiệu quả, Nghị định 26/2019/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Nội dung Nghị định 26/2019/NĐ-CP đã thể hiện tinh thần: Công khai, minh bạch về thủ tục hành chính; Đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; Đầy đủ biểu mẫu, rất thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; Phân cấp mạnh cho cơ quan quản lý địa phương thực hiện; Đơn giản hóa tối đa các điều kiện đầu tư kinh doanh;Tăng cường xã hội hóa.

Nghị định gồm 09 chương, 75 điều. 

Chương I. Những quy định chung gồm 04 điều (từ Điều 1 đến Điều 4) quy định về Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định. 

Chương II. Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản gồm 04 mục với 15 điều (từ Điều 5 đến Điều 19) quy định về Đồng  quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Quy chế quản lý khu bảo tồn biển; Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

 Chương III. Nuôi trồng thủy sản gồm 03 mục với 22 điều (từ Điều 20 đến Điều 41) quy định về Quản lý giống thủy sản; Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; Nuôi trồng thủy sản.

 Chương IV. Khai thác thủy sản gồm 02 mục với 08 điều (từ Điều 42 đến Điều 49) quy định về Quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản trên các vùng biển; Quản lý tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

 Chương V. Quản lý tàu cá, tàu công vụ, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm 12 điều (từ Điều 50 đến Điều 61) quy định về Phân loại cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép; Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ; Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới; Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá; Phân loại cơ sở đăng kiểm tàu cá, đăng kiểm tàu công vụ thủy sản; Điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá; Cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam; Cấp phép nhập khẩu tàu cá; Tàu cá được tặng cho, viện trợ; Độ sâu luồng vào cảng và vùng nước cảng; Nội dung, trình tự, thủ tục công bố mở, đóng cảng cá.

 Chương VI. Kiểm ngư gồm 04 điều (từ Điều 62 đến Điều 65) quy định về Tổ chức Kiểm ngư; Chế độ, chính sách đối với Kiểm ngư; Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động Kiểm ngư; Nội dung chi hoạt động Kiểm ngư.

 Chương VII. Mua, bán, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản gồm 05 điều (từ Điều 66 đến Điều 70) quy định về Chế biến loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Nhập nội từ biển loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Cấp phép xuất khẩu loài thủy sản; Kiểm soát hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

 Chương VIII. Quản lý nhà nước về thủy sản gồm 02 điều (Điều 71 và Điều 72) quy định về Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (từ Điều 73 đến Điều 75) quy định về Điều khoản chuyển tiếp; Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành.

Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019.