Triển khai Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]
Ngày 16/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2019 và thay thế Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền trong hoạt động thủy sản: Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực thủy sản là 1.000.000.000 đồng. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điều 40 Nghị định này. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản được quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP gồm các hành vi sau:

  • Vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản: các vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản; khu vực cấm khai thác thủy sản; quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; quản lý khu bảo tồn biển.

  • Vi phạm quy định về giống thủy sản: các vi phạm quy định về sản xuất, ương dưỡng, khảo nghiệm giống thủy sản; xuất khẩu giống thủy sản; đặt tên giống thủy sản.

  • Vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: các vi phạm quy định về gửi thông tin sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường; điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; sản xuất, nhập khẩu, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

  • Vi phạm quy định về nuôi trồng thủy sản: các vi phạm quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản; nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản sống; nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm không thuộc Phụ lục của Công ước CITES.

  • Vi phạm quy định về khai thác thủy sản: vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản; các vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản; hạn ngạch sản lượng khai thác thủy sản; Giấy phép khai thác thủy sản; chuyển tải thủy sản hoặc hỗ trợ cho tàu cá khai thác bất hợp pháp; nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản; hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; ngư cụ khai thác thủy sản; sử dụng điện để khai thác thủy sản; tàng trữ, sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản; treo cờ quốc tịch và treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  • Vi phạm quy định về tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: các vi phạm quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá; nhập khẩu tàu cá (không áp dụng đối với trường hợp tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam); bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá; đăng kiểm tàu cá; thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; đánh dấu tàu cá; đăng ký tàu cá; thuyền viên, người làm việc trên tàu cá; cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá; quản lý cảng cá.

  • Vi phạm quy định về thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản: các vi phạm quy định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản; nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.

  • Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản: Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản; Vi phạm quy định về giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp và vi phạm khác trong lĩnh vực thủy sản.

 (Đính kèm Nghị định 42/2019/NĐ-CP)