Tập trung nhận diện các vấn đề xã hội mới, tầm nhìn đến 2045

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ ba, 19/11/2024 ]
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu nhận diện những ưu tiên trong chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với xu thế của đất nước trong thời kỳ mới.
 
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 69/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cực triển khai và tham mưu chuẩn bị đầy đủ các báo cáo, tài liệu phục vụ phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo.
Việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 của Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI) hết sức quan trọng, yêu cầu phải bám sát mục tiêu, nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và Kết luận số 92-KL/TW ngày 5/11/2020 của Bộ Chính trị khóa XII.
Việc đánh giá phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan, đúng thực tế, làm rõ được những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cần tập trung nhận diện các vấn đề xã hội mới, những vấn đề cần ưu tiên trong chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất quan điểm, chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với xu thế, thực tiễn của địa phương, đất nước trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, sớm hoàn thiện Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, Kế hoạch thực hiện và Đề cương Báo cáo bảo đảm thống nhất, rõ ràng, trung thực, khách quan và hiệu quả; thành lập Tổ biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo.
Xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết; phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các Ban đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương tổ chức nghiên cứu một số chuyên đề quan trọng, một số vấn đề xã hội mới phục vụ đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.
Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế; tổ chức một số đoàn nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại một số quốc gia có thành tựu về chính sách xã hội phù hợp với thực tế đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo chủ động công tác tổ chức tổng kết, đánh giá lĩnh vực, bộ, ngành phụ trách, đôn đốc tổng kết ở bộ, ngành, địa phương mình; sử dụng nguồn lực của cơ quan, đơn vị phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai tổng kết phù hợp, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm chất lượng, tiến độ, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban Thường trực chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác tổng kết; thừa ủy quyền duyệt và ký các văn bản liên quan; chủ trì một số cuộc họp chuyên môn với các bộ, cơ quan và thành viên Ban Chỉ đạo./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+