CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GÓP PHẦN ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO KHU KINH TẾ VÂN PHONG

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 23/12/2024 ]
 
 
Khu kinh tế (KKT) Vân Phong với diện tích trên 150 nghìn ha, đã được Chính phủ phê duyệt, đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư. Với các tiềm năng, lợi thế, vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, KKT Vân Phong hoàn toàn có thể phát triển bức phá để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế biển lớn, hiện đại của khu vực và cả nước với thế mạnh phát triển về ngành kinh tế cảng biển và dịch vụ logistics quốc tế; du lịch, vui chơi giải trí cao cấp; khu phát triển khoa học công nghệ cao gắn liền với các đô thị hiện đại có dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, với các cơ chế, chính sách đặc thù cho KKT Vân Phong theo quy định tại Nghị quyết số 55-NQ/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc Hội sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược để tạo hiệu ứng “mỏ neo” giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong; giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.
Để tiếp tục phát triển KKT Vân Phong trong thời gian tới, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ kết hợp tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan và đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua một số nội dung sau:
- Khẩn trương lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng quan trọng trong KKT Vân Phong sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được duyệt làm cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết xây dựng và các dự án đầu tư, đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển KKT Vân Phong trong giai đoạn mới.
 - Công bố danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030 sau khi các quy hoạch được phê duyệt để làm cơ sở thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án quy mô lớn.
- Hiện nay có nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư tại KKT Vân Phong với nhiều ngành nghề đa dạng, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như: lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch (hydro xanh), khu cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế, khu đô thị biển cao cấp, khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp… Do đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của KKT. Theo đó, khu vực Bắc Vân Phong tập trung kêu gọi các dự án về lĩnh vực dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp; đô thị cao cấp, cảng biển, sân bay...; khu vực Nam Vân Phong tập trung kêu gọi cảng tổng hợp, dịch vụ hậu cần cảng và logistic; tổ hợp công nghiệp, năng lượng...
- Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết 55/2022/QH15 vào thực tiễn (đặt biệt là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược) nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn để tạo hiệu ứng “mỏ neo” giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong.
- Nghiên cứu đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư để nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng hình thức trực tiếp, tiếp xúc với các nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, các đối tác, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới hoặc thông qua các cơ quan ngoại giao để tổ chức xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vào KKT Vân Phong.
hinh23.PNG (745 KB)
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo điều chỉnh quy hoạch KKT
 
- Ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn KKT Vân Phong.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, có tính chuyên nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị là nhân tố quyết định đến sự thành công của công tác CCHC.
- Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong với tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc hành chính có liên quan.
- Tiếp tục đđầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của CCVC, công khai minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính và chính sách có liên quan người dân, tổ chức trên các lĩnh vực quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
- Tiến hành xây dựng Phần mềm quản lý nội bộ tích hợp tất cả các quy trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, môi trường, hoạt động doanh nghiệp,… nhằm giúp cho Lãnh đạo Ban giám sát được quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng CCVC; đồng thời tạo điều kiện cho từng theo dõi toàn bộ quy trình và đánh giá chéo việc thực hiện nhiệm vụ của đồng nghiệp, trên cơ sở đó kịp thời góp ý hoặc xét thi đua, khen thưởng và xếp loại CCVC định kỳ hàng năm.
- Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ nay đến năm 2025 đảm bảo đạt 100% trên thiết bị di động thông minh để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; đẩy mạnh triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động trong giao dịch điện tử; phát triển thương mại điện tử an toàn, bền vững. Từ đó, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân trong giải quyết TTHC./.