Chỉ Số PCI Khánh Hòa Năm 2022 Tăng 28 Bậc

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]
Sáng 11-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Theo kết quả công bố, Khánh Hòa đạt 67,74 điểm (cao nhất trong 10 năm qua), xếp thứ 16/63 tỉnh, thành, tăng 28 bậc so với năm 2021; lọt vào top 30 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2022. 

\"21.png

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh trao đổi với doanh nghiệp bên lề hội nghị hợp tác

với Đắk Lắk.

Điểm sáng sau đại dịch

So với các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, chỉ số PCI của Khánh Hòa xếp thứ 2 sau Đà Nẵng và xếp thứ 3 trong khu vực Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận). Tính từ năm 2012 đến nay, đây là năm tỉnh có điểm số cao nhất; đồng thời có thứ hạng và điểm số cao nhất trong 10 năm qua (năm 2014 cũng đứng thứ 16/63 nhưng chỉ đạt 59,78 điểm). Ông Châu Ngô Anh Nhân - Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so sánh chỉ số PCI của tỉnh giữa năm 2021 và 2022 thấy rõ sự tiến bộ đáng kể trong các chỉ số: Chi phí thời gian (tăng 40 bậc), Tiếp cận đất đai (tăng 34 bậc), Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (tăng 33 bậc), Tính năng động và tiên phong của chính quyền (tăng 23 bậc), Gia nhập thị trường (tăng 21 bậc), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - DN (tăng 15 bậc), Cạnh tranh bình đẳng (tăng 11 bậc)... 
\"22.png

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với doanh nghiệp của tỉnh bên lề hội nghị hợp tác với Đắk Lắk.

Sở dĩ có những kết quả đáng khích lệ như vậy là bởi ngay từ khi VCCI công bố PCI năm 2021, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc bàn giải pháp nhằm cải thiện chỉ số này. Trong đó, tỉnh đã thành lập tổ công tác do đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phụ trách, liên tục kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành thực hiện nghiêm các giải pháp để phục vụ, tạo điều kiện cho các DN. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin để kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh chủ động tham gia chương trình “Cà phê doanh nhân”, tổ chức hội nghị đối thoại với DN. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung kết nối các DN trong tỉnh, giữa DN của tỉnh với DN ngoài tỉnh và quốc tế; chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với tình hình mới theo hướng công nghiệp, dịch vụ hiện đại... Năm 2022, GRDP của tỉnh tăng 20,7% so với năm 2021 và đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng. Quý I/2023, Khánh Hòa nổi lên với mức tăng trưởng 9,07% và là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao của cả nước (cùng với Hậu Giang, Bình Thuận, Hải Phòng, Cà Mau).

\"23.png

Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, thời gian qua, cộng đồng DN được UBND tỉnh tạo điều kiện trong sản xuất kinh doanh. Ngay sau đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh có những đôn đốc, chỉ đạo kịp thời, giúp DN thuận lợi trong phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh đã kết nối với các DN Ấn Độ, Đắk Lắk, các tỉnh duyên hải miền Trung, mở ra nhiều thị trường mới và triển vọng hợp tác kinh doanh cho DN trong tỉnh.

Tiếp tục cải thiện

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, kết quả PCI năm 2022 tăng cao là sự ghi nhận về những nỗ lực rất lớn của các sở, ban, ngành trong tỉnh thời gian qua. Đặc biệt, có sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và cải cách các thủ tục hành chính. Tỉnh cũng đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và DN; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển DN. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý. 

Mặc dù thứ hạng PCI của tỉnh năm 2022 đã được cải thiện nhưng một số chỉ số thành phần vẫn còn ở mức thấp, như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh… Ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết, năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu kết quả đánh giá theo từng chỉ số chi tiết của chỉ số thành phần và dữ liệu khảo sát năm 2022 để tham mưu Tổ công tác PCI của tỉnh các giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI do UBND tỉnh ban hành như đã thực hiện trong năm 2022. 

\"24.png

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân gặp gỡ doanh nghiệp tại hội nghị xúc tiến

đầu tư.

Theo ông Lê Hữu Hoàng, năm 2023, để giữ vững và nâng cao hơn nữa PCI, tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư; triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố (Bộ chỉ số DDCI) của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; xây dựng Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh; tập trung đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính thực chất, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), PCI và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm cải thiện, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn; tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Đồng thời, tỉnh thu hút đầu tư thực hiện các quy hoạch một cách hiệu quả./.

(Nguồn: Cải cách hành chính Khánh Hoà)