Khánh Hòa Và Khát Vọng Vươn Tầm

vanphong.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 23/1/2025 ]

Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương. Khát vọng xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp, phát triển hiện đại, trong quá trình lãnh đạo, bằng ý chí tự lực, tự cường, với tinh thần dám nghĩ dám làm, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã gợi mở, huy động nguồn lực của toàn xã hội, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút và mời gọi đầu tư… để hiện thực hóa Nghị quyết 09.

Đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức

Khát vọng ấy được đặt ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII, XVIII; Kết luận số 53, ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và đặc biệt được khái quát cô đọng, súc tích trong Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khánh Hòa là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.

31.png (733 KB)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2012 - 2019 của tỉnh đạt hơn 7,32%/năm, quy mô kinh tế năm 2020 đạt 81.154 tỷ đồng, gấp 2,28 lần năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp, với 2,09% vào năm 2020, thấp hơn trung bình cả nước. Trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh bị âm (năm 2020 âm 10,5% và năm 2021 âm 5,68%). Năm 2022, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ. Sau 2 năm tăng trưởng âm, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng 20,7% so với cùng kỳ, cao nhất trong 10 năm qua và là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của Khánh Hòa tăng 7,86%, đứng thứ 9 cả nước và thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững.

Tuy nhiên, trong xây dựng và phát triển KT-XH, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tiềm năng và lợi thế chưa được khai thác hợp lý, chưa phát huy hiệu quả, tạo được sự đột phá cho phát triển. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao; du lịch phát triển chưa bền vững; kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; phát triển văn hóa - xã hội còn một số bất cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao ...
Trước những hạn chế trên, các cấp lãnh đạo của tỉnh đã trăn trở tìm nguyên nhân để khắc phục. Qua đánh giá và phân tích, nguyên nhân lớn nhất khiến tốc độ phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng đó chính là những ràng buộc về cơ chế, chính sách. Từ đó, với sự quyết tâm, đồng thuận cao, tập thể lãnh đạo tỉnh đã tích cực, chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương, tham mưu để Chính phủ và Quốc hội cho Khánh Hòa được thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù thông thoáng nhất, gỡ bỏ những rào cản để bứt phá và tập trung phát triển. Trong những tháng đầu năm 2022, Khánh Hòa rất phấn khởi khi được đón nhận ba Nghị quyết quan trọng của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đầu năm 2023, tỉnh tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai quy hoạch, đó là Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Những nghị quyết, quyết định quan trọng của Trung ương thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Khánh Hòa là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng, xác định tầm nhìn chiến lược, mở ra cơ chế huy động nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều đó, đã thể hiện sự đổi mới tư duy và thống nhất cao về nhận thức từ Trung ương tới địa phương, từ tỉnh đến cơ sở, từ doanh nghiệp đến người dân về một khát vọng xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ khi Trung ương ban hành các Nghị quyết, quyết định trên, ngoài việc triển khai hiệu quả việc học tập, quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung các Nghị quyết của Trung ương, các văn bản thực hiện của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các địa phương, ban ngành của tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện theo phân cấp, đúng chức năng nhiệm vụ và phù hợp với tình hình phát triển KT-XH tại địa phương, đơn vị mình. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền các Nghị quyết, các chính sách phát triển của tỉnh, tạo thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, góp phần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng góp sức xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu, đẹp, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương thường xuyên lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tỉnh ủy đã xem xét thống nhất định hướng danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, đã phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông quan trọng quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận và đang xúc tiến triển khai thủ tục đầu tư dự án đường cao tốc Nha Trang - Liên Khương; phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành đấu nối đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân theo đúng kế hoạch đề ra.

32.png (646 KB)

Cảng quốc tế Nam Vân Phong

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị toàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt những giải pháp cụ thể.  Trong đó, tập thể lãnh đạo tỉnh, cấp ủy các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thực chất phong cách lãnh đạo, phương pháp, lề lối làm việc, cách thức điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp theo hướng gần dân, sát cơ sở, kỷ cương, kỷ luật, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu. Trong đó, quan trọng nhất là sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; không ngừng nỗ lực, học hỏi, cầu thị, có khát vọng vươn lên, xác định rõ trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân để đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, đáp ứng sự tin tưởng của Trung ương và mong đợi của nhân dân tỉnh nhà.

Cùng với đó, chú trọng công tác cán bộ, từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bố trí nhân sự; xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, chủ động, sáng tạo, thích ứng tình hình, chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp, các ngành, công khai minh bạch để phát huy dân chủ trong lãnh đạo, quản lý.

Phát huy truyền thống cách mạng, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Khánh Hòa, toàn Đảng bộ tỉnh tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thống nhất hành động trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cần sự nỗ lực, ý chí, quyết tâm, bản lĩnh chính trị và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, khai thác cao độ tiềm năng, lợi thế về biển để xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp, văn minh. Do vậy, nhiệm vụ hàng đầu là phải cổ vũ động viên, tuyên truyền, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước; ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách chung tay xây dựng tỉnh giàu đẹp, phát triển hiện đại.

Công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, các văn bản triển khai của tỉnh phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng. Trong đó, mỗi cán bộ đảng viên là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, đồng thuận trong toàn xã hội, đưa Nghị quyết thấm sâu vào đời sống và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần chú trọng cung cấp thông tin; sẵn sàng đối thoại và tập trung giải quyết các vụ việc mà nhân dân quan tâm. Tiếp tục biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền phù hợp theo từng giai đoạn triển khai các Nghị quyết nhằm tuyên truyền đúng, đủ đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trên cơ sở đó, giúp người dân hiểu đúng, nắm rõ và cùng đồng lòng, chung sức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Trung ương theo đúng tiến độ. Đặc biệt là công tác lập quy hoạch và giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn. Các cấp, các ngành hưởng ứng và phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước với nội dung đổi mới, sáng tạo, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, huy động được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, phát hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt việc tốt, nhân tố mới để bồi dưỡng, lan tỏa, nhân rộng điển hình; khen thưởng định kỳ, đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

Mặt khác, làm tốt công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, lấy ý kiến của người dân đối với một số dự án, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Quan tâm tham mưu các kế hoạch, đề án liên quan đến sinh kế, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, phát triển nhà ở xã hội và triển khai thí điểm mô hình bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án bằng nhà ở xã hội.

Song song đó, chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ và hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dịch vụ y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chú trọng công tác giảm nghèo. Khi quyền và lợi ích của người dân được đảm bảo, tạo cho họ niềm tin vào sự điều hành, lãnh đạo của các cấp, sẽ đồng thuận với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực, chủ động tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển tỉnh.

33.png (684 KB)

Một góc thành phố Nha Trang

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức thì tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh là yếu tố quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, cần luôn nêu cao tinh thần cầu thị, làm việc khẩn trương, nghiêm túc, theo đuổi đến cùng mục tiêu đề ra. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan Trung ương để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng thành các chương trình, kế hoạch hành động có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Tuân- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: Để đảm bảo sự thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển tỉnh trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, cần phải triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quan trọng hơn cả là toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy những truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp, những thành tựu của quê hương trong suốt chặng đường 370 năm qua. Đặc biệt, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện vô cùng to lớn từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn; sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với tinh thần “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, có thể tin tưởng rằng, Khánh Hòa sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Đến năm cuối 2023, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 63% (Nghị quyết Đại hội đến năm 2025 đạt 65%); toàn tỉnh có 66/92 xã (71,74% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 20/92 xã (21,7% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Diên Khánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới, số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn bình quân chung trên địa bàn toàn tỉnh là 14 tiêu chí/xã. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao nhất là nguồn nhân lực trên lĩnh vực chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm ngành du lịch, dịch vụ. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 ước còn 38,1%, chiếm 79,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 197,043 nghìn tỷ đồng (Nghị quyết Đại hội: Trên 360 nghìn tỷ đồng), đạt 54,73% so với mục tiêu. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GRDP hàng năm ước thực hiện 66,7% (Nghị quyết Đại hội: Từ 50% - 60%). Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 là 47.068 tỷ đồng, vượt 14,2% dự toán được giao, tăng 1,1 lần so với năm 2020 (Nghị quyết Đại hội đề ra đến năm 2025 gấp 2,2 lần so với năm 2020).

(Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử)