7 giải pháp, nhiệm vụ cải cách hành chính trong 6 tháng cuối năm
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 02 Phiên họp, do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo thống kê, cập nhật, kế hoạch cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3003 nhiệm vụ. Tính đến ngày 21/6/2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1384 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 46,09% so với kế hoạch đề ra.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ những kết quả nổi bật trong 6 lĩnh vực lớn của công tác CCHC: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Thứ nhất, về cải cách thể chế, trong 6 tháng đầu năm, các Bộ, cơ quan đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 Luật, Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án Luật; cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án Luật. Về công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với 13 đề nghị xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật và 71 dự án, dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật; Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 2.043 văn bản, tăng 675 văn bản (49.34%) so với 6 tháng đầu năm 2022. Tại địa phương, có 241 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 1.722 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công an tại 10 văn bản quy phạm pháp luật. Tính từ năm 2021 đến nay, các Bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%.
Về công bố, công khai thủ tục hành chính trong quý II/2023, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.129 quyết định công bố 14.716 thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đã công khai 11.581 thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; 62/63 địa phương và 10/21 Bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thứ ba, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 26 bộ, cơ quan, đến nay, đã có 18 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn. Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đặc biệt lưu ý phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 quy định về tinh giản biên chế.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 25/4/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, đã có 07/20 Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 05/15 Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Về xây dựng chính quyền địa phương; Chính phủ đã tham mưu trình UBTVQH dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 557/CĐ-TTg về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Thứ tư, về cải cách chế độ công vụ, Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 03 thông tư; Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, dân cư…; tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 110/QĐ-BNV ngày 21/02/2023 về Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2022 – 2025”.
Thứ năm, về cải cách tài chính công, Trong 6 tháng đầu năm 2023, thể chế về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua đó từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, toàn diện, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách và nâng cao hiệu quả phân phối, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài chính; Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 01 dự án Luật, 02 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 Nghị định, 03 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 39 Thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.
Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước: ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 215.578,9 tỷ đồng, đạt 28,63% kế hoạch (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), (cùng kỳ năm 2022 đạt 25,68% kế hoạch và đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: vốn trong nước là 211.181,9 tỷ đồng (đạt 29,13% kế hoạch và đạt 31,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Thứ sáu, về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng.
Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng. 67,32% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.
Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, vướng mắc, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…
Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần.
Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng...
Theo Bộ Trưởng Phạm Thị Thanh Trà, để làm tốt công tác cải cách hành chính trong 6 tháng cuối năm 2023 cần đề ra phương hướng, nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương.
Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương mình theo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí đánh giá cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính theo Kế hoạch kiểm tra năm 2023 của Ban Chỉ đạo, đẩy mạnh thanh tra công vụ nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
Thứ ba, các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản nhà nước. Bộ Nội vụ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 về tinh giản biên chế; các nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc thù của một số tỉnh, thành phố, nhất là thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ tư, các Bộ, cơ quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động ban hành hoặc đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Thống kê, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, trong đó trọng tâm là 55 nhóm thủ tục hành chính thuộc 12 lĩnh vực ưu tiên rà soát được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022. Ban hành các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các bộ, cơ quan khẩn trương ban hành các văn bản pháp luật theo quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, nhằm thực hiện nghiêm quy định bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, hướng dẫn đầy đủ, thống nhất việc sử dụng CSDL dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thành việc ban hành hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức, tạo điều kiện cho các bộ, ngành khác và địa phương triển khai thực hiện; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về đổi mới công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng và thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài; chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh; các bộ hoàn thành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức làm cơ sở bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án về vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thứ sáu, tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.
Thứ bảy, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chuyển đổi số theo lộ trình của Chính phủ. Khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; rà soát các quy định pháp luật, cơ chế chính, sách liên quan đến quản lý dân cư theo Đề án 06 và đề xuất sửa đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu và các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả, bảo đảm khắc phục tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt và co cụm dữ liệu”. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, xóm, tổ dân phố để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.