Đổi mới công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

| |
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã luôn chú trọng công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhằm trang bị, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội; cải thiện thứ hạng các chỉ số trong công tác cải cách hành chính và quản trị phát triển tại địa phương.
 
Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ảnh minh họa: baokhanhhoa.vn
Một số kết quả nổi bật phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 11/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt đến các chi bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương và từng CBCCVC, người lao động bằng nhiều hình thức về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 15/01/2021 của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 về Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025.

Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình này; là cơ quan thực hiện nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên địa bàn tỉnh, đã tham mưu hiệu quả, chất lượng các hạng mục công việc thuộc phạm vi phân công; nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai các nội dung kế hoạch phát triển nhân lực, định hướng nhằm giúp các cơ quan được giao chủ trì cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, Chương trình nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2025 đề ra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát, tối ưu hóa quy trình làm việc, phân chia công việc và phân công rõ ràng, sử dụng công nghệ và các phần mềm hỗ trợ để nâng cao hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát trình độ, năng lực của đội ngũ CBCCVC để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác sắp xếp, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển… đảm bảo sự liên tục, kế thừa và phát huy những kết quả tích cực đạt được trong công tác cán bộ.

Hiện nay, tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh Khánh Hòa gồm 21 sở và tương đương; 99 phòng chuyên môn giúp việc cho 08 UBND cấp huyện (chưa tính UBND huyện Trường Sa); 591 đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, thuộc sở và thuộc cấp huyện). Có hơn 1.711 công chức (trong đó cấp tỉnh là 1.046, cấp huyện là 665 và 2.485 cán bộ, công chức cấp xã), gần 19.385 viên chức hiện đang công tác ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực trên toàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC theo đúng định hướng, đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Khánh Hòa đã bám sát chủ trương của Đảng, quy định pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời chủ động nghiên cứu, thể chế hóa thông qua việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách, chế độ liên quan, cụ thể:

Thứ nhất, UBND tỉnh ban hành danh mục các ngành, nghề cần đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 3820/QĐ-UBND ngày 28/10/2021; tiếp tục nghiên cứu ban hành tiêu chí xác định ngành trọng điểm và danh mục ngành, nghề trong giai đoạn 2023-2025 và đến năm 2030; danh mục ngành, nghề đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên sâu tại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025 và đến năm 2030 nhằm cập nhật, bổ sung các ngành, nghề có nhu cầu cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển tại tỉnh Khánh Hòa.

Thứ hai, thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đã được triển khai trong Kế hoạch tuyển dụng công chức năm 2023 theo Quyết định số 2340/QĐ-UBND ngày 02/10/2023 của UBND tỉnh. Kết quả đã có 01 thí sinh trúng tuyển và đảm bảo hưởng các quyền lợi theo quy định.

Thứ ba, triển khai hiệu quả Đề án thí điểm định lượng hóa công việc, xác định và phân giao công việc theo vị trí việc làm, đảm bảo tinh gọn bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện; các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bố trí đúng người, đúng việc theo vị trí việc làm, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm của 20 cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện (đạt tỷ lệ 100%), phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong khi chờ hướng dẫn của Trung ương các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền phê duyệt (đạt tỷ lệ 100%). Từ đó có cơ sở để triển khai thực hiện Đề án thí điểm định lượng hóa công việc, xác định và phân giao công việc theo vị trí việc làm theo tiến độ được phê duyệt.

Thứ tư, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2020-2025; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ban hành Kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025...

Thứ năm, kịp thời ban hành các chế độ, chính sách dành cho CBCCVC như: quy định chế độ tiền thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao; quy định một số nội dung về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao; chính sách “giữ chân” và thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế công lập; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài; Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp; Nghị quyết số 30/2023/NQ-HĐND quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ luân chuyển, cán bộ được điều động để thực hiện công tác luân chuyển, cán bộ tăng cường (biệt phái); Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND quy định mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố...

Thứ sáu, bên cạnh việc tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển nguồn nhân lực đối với CBCCVC bằng các quy định về chính sách, chế độ, chương trình, kế hoạch, đề án..., các sở, ngành còn không ngừng đổi mới công tác tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong giai đoạn 2021-2023, đã tổ chức 18 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 04 lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 08 lớp bồi dưỡng chuyên viên; 06 lớp bồi dưỡng chuyên viên chính; 02 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở; 08 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng(1).

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức ở khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể của tỉnh Khánh Hòa có trình độ đại học trở lên đạt 88,3%, tỷ lệ viên chức có trình độ đại học trở lên đạt 69,7%; tỷ lệ này ở khối cơ quan nhà nước lần lượt là 96,79% và 69,52%; công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 65,9%. Tính đến năm 2023, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo cho 22.553 người. Ước tính tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến tháng 9/2023 đạt 82,8%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 28,5%. Về y tế, tổng số bác sĩ trên địa bàn tỉnh là 1.566 người, đạt tỷ lệ 11,7 bác sĩ/10.000 dân, gần đạt với mục tiêu 12,5 bác sĩ/10.000 dân theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Khánh Hòa đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU còn gặp không ít khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, có nhiều đầu mối triển khai thực hiện mà nội dung thực hiện còn đa lĩnh vực; mức độ đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều cấp độ; đối tượng phát triển nhân lực đa dạng, kinh phí thực hiện từ nhiều nguồn (ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp, xã hội hóa…) nên có nhiều vướng mắc. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch, một số văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành còn chưa thống nhất; một số quy định về chế độ, chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế đã ảnh hưởng đến tiến độ chung trong việc triển khai thực hiện; công tác phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương và các cơ sở đào tạo chưa được chặt chẽ.

Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thời gian tới

Một là, chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ CBCCVC: đây là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống hành chính công, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương. Bởi vì, tỉnh Khánh Hòa đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như du lịch, đô thị thông minh, công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao… do đó cần đội ngũ CBCCVC có kiến thức, kỹ năng mới phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Vì vậy, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC phát triển kỹ năng số, kỹ năng mềm và khả năng sáng tạo, đổi mới.

Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và tập huấn chuyên sâu trong các lĩnh vực quan trọng như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và kinh tế biển... nhằm giúp cung cấp cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết để tham gia vào các ngành công nghiệp địa phương và hội nhập quốc tế. Một số chương trình đào tạo cần được tỉnh Khánh Hòa quan tâm triển khai để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, như các chương trình, khóa đào tạo nghề ngắn ngày hoặc dài hạn cho ngành du lịch và dịch vụ về hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn nhà hàng, kỹ năng tiếp thị du lịch, quản lý dịch vụ du lịch. Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, quản lý trang trại và nuôi trồng thủy sản bền vững áp dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.

Phát triển các khóa đào tạo về phát triển phần mềm, quản lý dự án công nghệ thông tin và an ninh mạng giúp tăng cường năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ quản lý các sở, ban, ngành và địa phương. Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề giúp cải thiện hiệu suất làm việc và tăng cường khả năng quản lý của CBCCVC trong mọi lĩnh vực. Chương trình đào tạo về bảo vệ môi trường, giúp cải thiện nhận thức và hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường, tạo ra môi trường sống và làm việc bền vững.
Hai là, thực hiện tốt các chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao: cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo của đội ngũ CBCCVC; tăng cường năng lực quản lý, lãnh đạo; đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm. Xây dựng môi trường làm việc công bằng và minh bạch, nơi cán bộ, công chức được đánh giá dựa trên năng lực và quá trình đóng góp thực sự của mỗi CBCCVC. Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống các nguyên tắc và quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm... để đảm bảo cơ hội thăng tiến dựa trên năng lực, hiệu suất và đóng góp của mình.

Xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; khuyến khích phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, gắn kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực. Có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc liên kết với các cơ sở đào tạo để đặt hàng nguồn nhân lực. Tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế thành lập cơ sở đào tạo. Hàng năm tổ chức tốt hội chợ việc làm để giải quyết việc làm, đồng thời nắm bắt kịp thời nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường. Tăng cường năng lực dự báo nguồn nhân lực; năng lực hoạch định chính sách, hình thành khung pháp lý và cơ chế cho đào tạo nguồn nhân lực.

Ba là, xây dựng, phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực: xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nhằm đảm bảo cân đối về nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh. Rà soát trình độ, năng lực của đội ngũ CBCCVC để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác sắp xếp, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển... đảm bảo sự liên tục, kế thừa giữa các thế hệ, tránh tình trạng hụt hẫng trong công tác cán bộ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý nhằm tham mưu thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước. Cần đánh giá, chỉ ra được nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu và trình độ nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực, vùng miền; hình thành đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà tỉnh Khánh Hòa có lợi thế và định hướng phát triển của tỉnh.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực: tăng cường công tác phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo của Trung ương trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Huy động các nguồn vốn đảm bảo cho yêu cầu phát triển nguồn nhân lực: tăng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn từ người dân, doanh nghiệp và tổ chức; từ các nguồn vốn nước ngoài... Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế để đẩy nhanh đào tạo nhân lực, trước hết là tăng cường gửi CBCCVC đi đào tạo ở nước ngoài (bằng nguồn ngân sách nhà nước, khuyến khích du học tự túc và tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế). Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các chương trình, dự án hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục, đào tạo./.
Nguồn: Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước