Khởi sắc ở Nam Vân Phong

| |
Hiện nay, nhiều dự án tại khu vực Nam Vân Phong đang được các cấp, ngành và chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Đẩy nhanh Dự án Sumitomo

        Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong cho biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) do Tổ hợp Sumitomo - Hanoico làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ đàm phán các hợp đồng chính và hợp đồng phụ. Hệ thống đấu nối điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư sẽ kết nối từ dự án đến Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) để hòa vào hệ thống điện quốc gia 500 Kv. Hợp đồng mua than đá đã làm việc xong với các đối tác nước ngoài. Hợp đồng mua bán điện cũng đang đi đến những thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó, hợp đồng chính BOT đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét một số vấn đề có liên quan để có thể kết thúc vòng đàm phán cuối cùng của dự án. 


Bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong đang thi công

        Tháng 8-2016, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng Ban quản lý KKT Vân Phong đã làm việc với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy tiến độ dự án. Sau khi Thủ tướng có ý kiến chấp thuận, vòng cuối cùng của đàm phán BOT sẽ được tiến hành.

        Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, hiện nay, nhà đầu tư đã thuê Công ty 319 của Bộ Quốc phòng rà phá bom mìn trong vùng dự án. Dự kiến cuối năm nay, công tác này sẽ hoàn thành. Nếu Thủ tướng có ý kiến trả lời sớm thì việc ký hợp đồng BOT, giải ngân, đóng tài chính sẽ được thực hiện vào đầu năm 2017. Cuối năm 2017 sẽ khởi công dự án. Năm 2021, dự án sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1, có công suất 1.200MW, tổng vốn khoảng 2 tỷ USD. Công tác giải phóng mặt bằng đang được UBND thị xã Ninh Hòa tập trung thực hiện. Đồn Biên phòng 364 đã có kế hoạch chuyển địa điểm; trụ sở mới của UBND xã Ninh Phước đang được khẩn trương xây dựng. Nhiều hộ dân đã tiếp nhận đất ở các khu tái định cư và bàn giao mặt bằng. “UBND tỉnh giao cuối tháng 12-2016, UBND thị xã Ninh Hòa phải thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư. Ngoài ra, 20ha đất canh tác cũng phải hoàn thành trước tháng 7-2017 để giao cho người dân. Thời gian gần đây, nhà đầu tư đã tích cực triển khai các thủ tục, điều đó cho thấy sự quyết tâm của họ trong dự án này”, ông Phi cho biết.

        Khu công nghiệp Ninh Thủy đã có nhà máy hoạt động

Hiện nay Công ty TNHH Hoàn Cầu Vân Phong đang đầu tư xây dựng Bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong tại vùng nước biển gần Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ, trong đó sẽ trực tiếp phục vụ cho các nhà máy ở KCN Ninh Thủy. Bến cảng sẽ xây dựng bến cầu tàu, cầu dẫn, kho, bãi hàng, công trình phụ trợ, đường giao thông và kè bảo vệ bờ biển. Tổng vốn đầu tư xây dựng dự án gần 1.000 tỷ đồng; dự kiến năm 2019 sẽ đưa vào khai thác.

        Tuy Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy chưa hoàn thiện hạ tầng và giải phóng xong mặt bằng nhưng vài tháng nay, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã đẩy mạnh thi công dự án, nhà máy sản xuất. Hiện tại, Nhà máy thiết bị điện của Công ty TNHH một thành viên Nanoco đã xây dựng hoàn thiện và đang đi vào sản xuất. Gần đó, Nhà máy sản xuất tấm lợp không Amiăng của Công ty TNHH SDM - Khánh Hòa đã xây xong phần tường rào bao quanh và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án. Một số dự án khác cũng đang chuẩn bị triển khai.

        Ban quản lý KKT Vân Phong cho biết, hiện nay có 4 dự án đang đầu tư vào KCN Ninh Thủy với tổng vốn đăng ký gần 700 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều dự án khác đã đăng ký đầu tư nhưng đang trong quá trình đàm phán và hoàn thiện thủ tục. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoàn Cầu Vân Phong đang tích cực xúc tiến đầu tư ở khu vực phía nam; đồng thời khoan 4 giếng nước ngầm, xây trạm xử lý nước thải để phục vụ các nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa đang đầu tư dự án nâng công suất nhà máy nước hiện có tại hồ chứa nước Đá Bàn từ 4.000m3 lên 6.000m3/ngày đêm để cấp nước cho KCN Ninh Thủy. Bên cạnh đó, công ty sẽ xây một trạm bơm nước thô, một trạm xử lý và đầu tư 3 tuyến ống phân phối nước tại khu vực này.

        KCN Ninh Thủy nằm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, có tổng diện tích đất phải thu hồi là 190ha, có 277 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng. Đến nay, UBND thị xã Ninh Hòa đã bàn giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Vân Phong 144,2ha. Các vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng vẫn đang được UBND thị xã Ninh Hòa giải quyết. Tuy nhiên, chủ trương của Ban quản lý KKT Vân Phong là có mặt bằng đến đâu thu hút đầu tư nhà máy đến đó, nhằm sớm đưa KCN đi vào hoạt động.

Theo Báo Khánh Hòa