ƯU TIÊN THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC VÀO KHU KINH TẾ VÂN PHONG
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định Khánh Hòa phải trở thành thành phố trực thuộc trung ương và phải là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây được ví như “đũa thần” để Khánh Hòa “cất cánh” trong thời gian tới.
Vừa qua, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhằm làm rõ hơn kế hoạch tận dụng những thuận lợi trên để phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa.
Khánh Hòa cần làm gì để nhanh chóng tận dụng những thuận lợi về chính sách hiện có, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện với mục đích thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Tỉnh Khánh Hòa xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và lâu dài, phải thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, sự quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức. UBND tỉnh đã triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng thời, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, góp phần sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Đối với các chính sách áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 1/8 đối với các nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Có thể kể đến chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong; chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại 1 của nhà đầu tư chiến lược; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước từ dự án nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3-6 hải lý, ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý….
Nghị quyết 55 chủ yếu đề cập đến cơ chế chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong. Vậy địa phương có động thái gì để vận dụng cơ chế chính sách này nhằm đột phá thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong? Ngoài những cơ chế đặc thù mà Quốc hội thông qua, chính quyền tỉnh có những chính sách gì để thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư lớn?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Để vận dụng cơ chế chính sách vào thực tiễn nhằm đột phá thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Ban Quản lý) chủ trì tham mưu xây dựng quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược tại Khu kinh tế Vân Phong. Tỉnh yêu cầu Ban Quản lý khẩn trương lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu đối với các khu chức năng tại Khu kinh tế để có cơ sở thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược.
Sau khi các biểu mẫu này được UBND tỉnh ban hành và các quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong, quy hoạch phân khu được phê duyệt, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiến hành việc kêu gọi đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược theo đúng điều kiện, trình tự thủ tục thực hiện quy định tại Nghị Quyết 55.
Ngoài những cơ chế đặc thù mà Quốc hội thông qua, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo Ban Quản lý và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện các quy hoạch trong Khu kinh tế Vân Phong nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy hoạch, nhất là điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Cùng với đó, thúc đẩy triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại cho Khu kinh tế tạo sự liên kết phát triển vùng như: các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia kết nối với Khu kinh tế Vân Phong, các cảng biển tổng hợp lớn, hiện đại.
Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông nội vùng Khu kinh tế để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia… đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án đầu tư lớn mang tính động lực đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong.
Song song, đổi mới và thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tư duy hướng tới nền hành chính phục vụ doanh nghiệp, với mục tiêu giảm tối đa thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại Khu kinh tế Vân Phong.
Đặc biệt, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư, giải quyết nhanh, kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng... để dự án triển khai nhanh nhất, đặc biệt các dự án quy mô lớn mang tính động lực cho Khu kinh tế Vân Phong; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao quỹ đất sạch, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án trong Khu kinh tế.
Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong, tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực cho các ngành công nghệ cao…
Đáng chú ý, hiện nay có nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong với nhiều ngành nghề đa dạng, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như: lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch (hydro xanh), khu cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế, khu đô thị biển cao cấp, khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp… Do đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của khu kinh tế.
Theo đó, khu vực Bắc Vân Phong tập trung kêu gọi các dự án về lĩnh vực dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp; đô thị cao cấp, cảng biển, sân bay...; khu vực Nam Vân Phong tập trung kêu gọi cảng tổng hợp, dịch vụ hậu cần cảng và logistic; tổ hợp công nghiệp, năng lượng...
Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư để nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng hình thức trực tiếp, tiếp xúc với các nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, các đối tác, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới hoặc thông qua các cơ quan ngoại giao để tổ chức xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vào Khu kinh tế Vân Phong.
Thêm vào đó, ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong.
Cấp ủy, chính quyền tỉnh kỳ vọng gì ở Khu kinh tế Vân Phong sau khi có những cơ chế, chính sách đặc thù trên?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Khu kinh tế Vân Phong có vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong tại Nghị Quyết 55 sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược để tạo hiệu ứng “mỏ neo”, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của Khu kinh tế Vân Phong.
Sau khi các cơ chế chính sách đặc thù được áp dụng và triển khai, hy vọng rằng trong tương lai không xa, Khu kinh tế Vân Phong có thể hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển (khu kinh tế hiện đại, đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistic…), có thể phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực như kỳ vọng.
Vậy bộ máy chính quyền các cấp nơi đây đã thực sự đủ “chín” để vào cuộc, hay nói cách khác đã kịp “thay áo mới” để đáp ứng sự “trỗi dậy” của Vân Phong chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Hiện nay, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong mới đang được chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến diện tích các phân khu chức năng tại Khu kinh tế sẽ tăng nhiều so với quy hoạch cũ. Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ liên quan đến cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên phát triển tại Khu kinh tế; cơ chế phân cấp UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường các dự án đầu tư vào Khu kinh tế và các Khu công nghiệp...
Như vậy, khối lượng công việc trong thời gian tới sẽ tăng lên đòi hỏi việc cần bổ sung thêm nguồn nhân lực có chuyên môn cho bộ máy chính quyền các cấp và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đây là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Nhằm tạo điều kiện để bộ máy chính quyền các cấp thực sự đủ “chín” để cùng vào cuộc với cả tỉnh nói chung và đáp ứng sự “trỗi dậy” của Khu kinh tế Vân Phong nói riêng, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đặc biệt là tạo điều kiện bổ sung nguồn nhân lực công chức cho Ban quản lý, chính quyền địa phương nơi có Khu kinh tế (thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh) để đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động của Khu kinh tế Vân Phong.
Sau các sự việc liên quan đến pháp lý, khác với nhiều địa phương, ở Khánh Hòa, các nhà đầu tư, người dân đều nhận thấy bộ máy chính quyền từ các cấp sớm đồng thuận, đoàn kết để hướng xây dựng và phát triển tỉnh. Hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi, nhiệm vụ quan trọng được Trung ương, địa phương phê duyệt trong thời gian ngắn. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc này?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Có thể nói, tại thời điểm đó, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành toàn bộ hoạt động của UBND tỉnh; tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức có lúc chùng xuống, không dám tham mưu; thu hút đầu tư có phần chững lại…. Trước tình hình trên, việc “xốc lại tinh thần làm việc” của cả bộ máy chính quyền tỉnh Khánh Hòa là hết sức cần thiết, đặc biệt là phải kiện toàn ngay người đứng đầu UBND tỉnh. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương đề xuất nhân sự, xin ý kiến để kiện toàn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau khi được kiện toàn, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức phân công lại nhiệm vụ, hoàn thiện quy chế làm việc của UBND tỉnh. Nhiệm vụ hết sức nặng nề là vừa phải tổ chức điều hành, giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, vừa kiện toàn một số chức danh lãnh đạo các cơ quan, đồng thời phải tập trung nguồn lực để khắc phục các sai phạm mà Trung ương đã chỉ ra. Đặc biệt là việc lấy lại hình ảnh của một Khánh Hòa năng động và phát triển để củng cố niềm tin của nhân dân, niềm tin đối với các doanh nghiệp thu hút đầu tư vào Khánh Hòa.
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành cộng đồng trách nhiệm, năng động, tích cực trong việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc đề xuất và xây dựng các cơ chế chính sách.
Kết luận số 53-KL/TW, Bộ Chính trị xác định phát triển Khánh Hòa là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Khánh Hòa mà còn của cả nước; và với sự kiên định, quyết tâm, đồng lòng của nhân dân tỉnh nhà và cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, tỉnh đã thống nhất đề nghị và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mở ra định hướng phát triển cho thời kỳ mới nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh, với mục tiêu phát triển tỉnh hết sức cụ thể rõ ràng và trong đó có nội dung phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Qua đó, tôi nhận thức rằng, việc ban hành các nghị quyết không chỉ là sự quan tâm đối với Khánh Hòa mà còn là nhiệm vụ Trung ương giao cho tỉnh, có được những chính sách là một thuận lợi lớn của Khánh Hòa, nhưng làm sao để những chính sách này đi vào thực tế và trở thành động lực để địa phương phát triển là việc mà tỉnh phải chủ động triển khai, thực hiện. Chính vì vậy trong thời gian tới, Khánh Hòa phải quyết tâm, không ngừng nỗ lực, học hỏi, cầu thị, đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, cách thức điều hành của chính quyền các cấp, xác định rõ trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân để đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương để đóng góp vào sự phát triển của cả nước cũng như đáp ứng sự tin tưởng của Trung ương và mong đợi của nhân dân tỉnh nhà.
Sưu tầm VietnamFinance
- [19/11/2024] Triển khai thí diểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
- [19/11/2024] Sử dụng ứng dụng i-Speed để nâng cao chất lượng dịch vụ di động 4G nhằm nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025.
- [19/11/2024] Nâng cao cảnh giác với các hành vi lừa đảo liên quan đến công tác đăng kiểm xe cơ giới.
- [08/11/2024] Chủ trương xây dựng Quy định khung giá cho thuê nhà lưu trú công nhâ trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- [06/11/2024] Thông báo khẩn cấp ứng phó bão YINXING
- [16/08/2022] LỄ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC KHU CÔNG NGHIỆP SUỐI DẦU
- [15/08/2022] TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XIII) VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 55/2022/QH15 NGÀY 16/6/2022 CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA
- [15/08/2022] HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TIÊU CỰC
- [30/07/2022] KHÍ THẾ HỘI THAO KHỐI BAN QUẢN LÝ KCN, KKT, KCNC CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN VÀ DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG NĂM 2022
- [30/07/2022] PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ VÂN PHONG THÀNH ĐỘNG LỰC CỦA VÙNG NAM TRUNG BỘ